Tọa đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Từ chính sách đến thực thi”: cơ hội và thách thức để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

04/04/2024 03:00 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024) diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE).

Vietnam Expo 2024 là sự kiện xúc tiến thương mại trọng điểm thường niên có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 1991.

Extended Producer Responsibility (EPR) là một chính sách môi trường đòi hỏi nhà sản xuất hoặc nhập khẩu chịu trách nhiệm cho các sản phẩm của mình trong suốt vòng đời sản phẩm, từ giai đoạn thiết kế đến hậu cần và tái chế. EPR được coi là một công cụ quan trọng để xử lý vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường, giúp đẩy mạnh sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững hơn.

Ghi nhận qua tọa đàm cho thấy, việc thực hiện EPR được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải ra môi trường và Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Song, điều này cũng đặt ra thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai, thực thi một cách thông suốt và hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các cơ quan chuyên môn mà còn cả sự quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Trách nhiệm thực thi EPR được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô-tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. Thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng nơi họ sản xuất kinh doanh hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh bền vững hơn. Đồng thời,đối với các nhà tái chế, thì đây cũng là một cơ hội tốt vì họ sẽ có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR.

h1.jpg

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Thành Vĩnh - cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai EPR từ quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Ông khuyến nghị, nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

Chia sẽ tại tọa đàm, bày tỏ đồng tình với các định hướng EPR của chính phủ, ông Nguyễn Trung Anh -  Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo thuộc PAN Group cho biết thêm, doanh nghiệp đang rất quan tâm các thách thức về cơ cấu tính giá thành sản phẩm sau này trong hoạt động sản xuất có liên quan EPR. Theo ông, chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với doanh nghiệp.

Khép lại tọa đàm, ông Nguyễn Thi - đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ, chính phủ đã có những quy định về EPR, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu lớn trong thực thi các cam kết về FTA thế hệ mới, đáp ứng các cam kết quốc tế về EPR.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm để triển khai các quy định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp theo tinh thần cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp liên quan trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các quy định không yêu cầu doanh nghiệp tái chế quá sâu mà chỉ tới mức nguyên liệu, từ đó tiến tới mục tiêu thu gom để xử lý các bao bì sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp có căn cứ xác định trách nhiệm của mình. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ thành lập một tổ chức độc lập để vận hành cơ chế EPR, thay vì hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay.

Vietnam Expo 2024 sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 6/4/2024 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE).

Kim Chi

$strImgLeft
Ảnh hoạt động
GIAN HÀNG MẪU
GIỚI THIỆU TT XTTM
GIỚI THIỆU DOANH NGHIỆP
TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
263
28,241,846